Đăng Ký Học
Ngày 08/09/2023 10:43:42, lượt xem: 18544
VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH GIẢI THÍCH
MỘT HIỆN TƯỢNG TỰ NHIÊN
BẠN ĐÃ BIẾT GÌ VỀ HIỆN TƯỢNG THỦY TRIỀU ĐỎ
“Thủy triều đỏ” hay sự “nở hoa” của tảo chính là cách gọi để nêu lên hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển. Tuy nhiên không phải ai cũng biết về hiện tượng này. Thế nên trong bài viết này, các bạn hãy cùng tôi tìm hiểu về hiện tượng thủy triều đỏ này nhé.
Hiện tượng thủy triều đỏ là gì?
Hiện tượng thủy triều đỏ (có tài liệu còn gọi là hiện tượng nở hoa của nước) gây ra bởi các loài vi tảo và vi khuẩn lam sống trong nước biển hoặc nước ngọt khi chúng phát triển rất nhanh, bùng phát quá mức về mật độ tế bào hoặc sinh khối. Điều đặc biệt hiện tượng này xảy ra cả ở biển và nước ngọt, khi xảy ra ở biển thì gọi là thủy triều đỏ. Tảo nở hoa có thể sống ở bề mặt nước hoặc ở tầng đáy. |
Hiện tượng thuỷ triều đỏ |
Những thực vật phù du và sinh vật nguyên sinh đơn bào, các sinh vật như thảo mộc có thể hình thành những đám dày đặc, các vết có thể nhìn thấy ở gần bề mặt nước. Một số loài thực vật phù du, tảo chứa sắc tố quang hợp khác nhau về màu sắc từ xanh sang nâu đỏ, có khi thì màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo… Thế nhưng thủy triều đỏ cũng không nhất thiết làm chuyển màu nước, khi mức độ tảo tích tụ không quá dày. Vậy nên chỉ khi mật độ tảo tập trung cao, nước sẽ đổi màu hay xỉn lại.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều đỏ?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thủy triều đỏ, tuy nhiên nhìn chung về cơ bản có một số nguyên nhân chính sau. Hiện tượng thủy triều đỏ hay tảo nở hoa xảy ra có thể do các loài tảo có độc tố và các loài không có độc tố. Khi hàm lượng oxy trong nước bị giảm đi nhanh chóng, nhiệt độ tăng cao đột ngột, sự trao đổi nước kém đi cũng như điều kiện dinh dưỡng trong môi trường tăng đột biến. Tảo sẽ sinh trưởng và phát triển một cách đồng loạt khiến biến đổi màu sắc của nước biển và dẫn đến hiện tượng thủy triều đỏ. Bên cạnh đó khi có các luồng gió lớn sẽ đem theo lượng bụi giàu sắt đến từ các vùng sa mạc rộng lớn (sa mạc Sahara) xuống biển. Để rồi lượng bụi sắt này tạo nên độ phèn cho nước biển khiến nước ngả màu đỏ vàng và gây nên hiện tượng thủy triều đỏ.
Thủy triều đỏ kéo dài bao lâu?
Hiện tượng thủy triều đỏ có thể kéo dài từ vài tuần hoặc thậm chí có thể kéo dài đến một năm. Sau đó hiện tượng này có thể giảm dần nhưng lại tái xuất hiện vì thủy triều đỏ xảy ra do quá trình táo nở hoa. Không những thế hiện tượng này còn phụ thuộc nhiều vào những điều kiện vật chất và sinh học bên ngoài như ánh sáng mặt trời, chất dinh dưỡng, độ mặn,....Thủy triều đỏ sẽ thường xuất hiện gần bờ nên ta có thể dễ dàng quan sát được, tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra cách bờ từ 10 - 40 dặm (tương đương 16 - 64km).
Tác hại của thủy triều đỏ như thế nào?
Hiện tượng thủy triều đỏ ở Việt Nam cũng như trên nhiều quốc gia khác xuất hiện là sự báo hiệu của sự bất thường. Hiện tượng này ảnh hưởng rất lớn không chỉ cuộc sống của con người mà còn động thực vật trên toàn cầu.
Tác hại của thuỷ triều đỏ với sinh vật biển
Nguồn: internet
Các độc tố do thủy triều đỏ tạo ra có thể ảnh hưởng tới không khí, gây khó thở. Ngoài việc tạo ra các độc tố, chúng còn làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước do chuyển màu, có mùi tanh khó chịu, hàm lượng oxy giảm đột ngột do phân hủy một lượng sinh khối lớn. Tảo không độc khi nở hoa cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nước khi lượng sinh khối lớn của chúng bị chết và phân hủy. Sự tích tụ của lượng tảo biển quá lớn ở trong nước sẽ tạo thành những màng nhầy ở trên mang cá, đây cũng là quá trình hấp thụ khí oxy trong nước.
Ngoài ra hiện tượng thủy triều đỏ còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Bởi nếu khi chúng ta ăn phải những sinh vật nhiễm độc tố sẽ khiến bạn bị dị ứng, ảnh hưởng đến đường hô hấp, hắt hơi, chảy nước mắt… Đối với những người bị bệnh liên quan đến đường hô hấp như bệnh phổi, hen suyễn khi ăn phải những sinh vật nhiễm độc tố này có thể ảnh hưởng và nguy hiểm đến tính mạng. Nguy hiểm hơn cả, những thành phần có trong thủy triều đỏ nếu khi chúng kết hợp với nhau sẽ tạo thành hợp chất cao phân tử và khi những hợp chất này chảy vào cơ thể chúng ta sẽ gây tê liệt dây thần kinh rất mạnh. Hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều dẫn đến mức độ thiệt hại do chúng gây ra đến nền kinh tế - xã hội.
Tóm lại, hiện tượng nở hoa của tảo, đặc biệt là tảo độc gây tác hại tới hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đối với con người, gây thiệt hại cho ngành kinh tế khai thác, nuôi trồng thủy sản. Thực tế, không phải đợt bùng phát tảo biển nở hoa nào cũng có hại. Bên cạnh những nguy hiểm khôn lường, chúng ta cũng không thể phủ nhận tảo biển là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn ở đại dương, bởi vì những tảo biển có lợi cung cấp lượng lớn thức ăn cho các loài động vật khác. Vì thế, các biện pháp tiến hành nghiên cứu, kiểm soát tảo độc hại trong các khu vực nuôi trồng thủy sản là hoàn toàn cần thiết để đảm bảo sản lượng thủy sản không ảnh hưởng bởi đợt nở hoa của tảo độc. Nếu như vẫn để tình trạng này diễn ra thì sản lượng bị suy giảm, các sinh vật biển chết hàng loạt sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Trên đây là những thông tin về hiện tượng thủy triều đỏ hay hiện tượng táo hoa mà tôi muốn chia sẻ với các bạn. Hi vọng sau bài viết này các bạn có thêm một số thông tin về hiện tượng thủy triều đỏ.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên
Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan